Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc

(NTO) Gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người, những quan hệ tình cảm đặc biệt được trao truyền từ đời này sang đời khác. Những chuẩn mực và giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ củng cố các mối quan hệ gia đình và tạo môi trường thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển. Gia đình Việt Nam vốn có truyền thống gắn kết nhiều thế hệ, kính trên nhường dưới, tương trợ lẫn nhau. Vì thế mà gia đình Việt Nam luôn tồn tại một cách bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã ban hành và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2012 – 2015; ban hành các văn bản thực hiện “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…

Gia đình Ngọc Thức - Tuyết Ánh biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam.
Ảnh: Sơn Ngọc

Nhiều chính sách, dự án hỗ trợ cho gia đình đã được các ban, ngành tích cực triển khai thực hiện như: cho vay vốn phát triển kinh tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, giải quyết việc làm cho phụ nữ, vận động xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa và tích cực thúc đẩy, nâng chất lượng xây dựng gia đình văn hóa làm nền tảng để xây dựng một xã hội tiến bộ, lành mạnh, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội... Đến nay, có hơn 80,9% hộ gia đình hàng năm được công nhận gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 40,9% số thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa cấp huyện; công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 11,12%.

Ngoài ra, các cấp, các ngành còn phối hợp triển khai và tạo nhiều hoạt động thiết thực như: thành lập các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững; câu lạc bộ không sinh con thứ ba; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức hôn nhân-gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... Đặc biệt, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hàng năm được cán bộ và nhân dân đón nhận và hưởng ứng sôi nổi. Vào ngày này, các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục- thể thao; thi nấu ăn, tìm hiểu kiến thức hôn nhân gia đình...

Kỷ niệm 12 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2013) và cũng là năm Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 251/TTg-KGVX ngày 19-2-2013, về việc lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam. Năm 2013, với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc”, nhằm mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa gia đình; khẳng định vai trò to lớn của gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống; là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người về đạo đức, lối sống lành mạnh và kỹ năng ứng xử trong gia đình; thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, góp phần vào xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Sở VH,TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh và cụ thể hóa các nội dung trọng tâm, xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2013 với các nội dung cụ thể, nhằm mục đích thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về gia đình, để giúp cán bộ từ tỉnh, huyện đến các xã, phường, thị trấn nắm cơ bản về vị trí, vai trò của công tác gia đình trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Từ đó, cán bộ các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đưa công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình vào nghị quyết, chương trình hoạt động hàng năm. Tham mưu Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa tỉnh (Ban chỉ đạo) đưa các tiêu chí về các hoạt động có liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong việc gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đồng thời, hướng dẫn Ban chỉ đạo các huyện, thành phố chỉ đạo xã, phường, thị trấn tuyên truyền đến tổ nhân dân tự quản về chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013; tuyên truyền các chức năng gia đình, các tài liệu có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

Riêng ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2013, Sở VH,TT&DL đã và đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các huyện, thành phố tổ chức và hướng dẫn các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và Năm Gia đình Việt Nam - năm 2013 như: Tập trung đẩy mạnh truyền thông, vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững tại cộng đồng, khu dân cư. Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông tại cộng đồng và hỗ trợ gia đình. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững đang có ở địa phương. Xây dựng các mô hình gia đình với ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng các gia đình ở khu du lịch, các danh lam thắng cảnh, gia đình tham gia an toàn giao thông. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan về Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11 và các thông điệp truyền thông về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; họp mặt các gia đình tiêu biểu lồng ghép biểu dương các gia đình tiêu biểu được công nhận danh hiệu “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”.

Có thể nói, những hoạt động của Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hàng năm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam; góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và kế thừa giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam qua bao thế hệ. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc thực hiện công tác gia đình; động viên, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của gia đình trong việc duy trì sự ổn định, phát triển gia đình bền vững. Đồng thời, để tiếp tục thực hiện tốt Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới,  Phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào của xã hội; đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam nói chung và quê hương Ninh Thuận nói riêng trong giai đoan công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.